PHỎNG VẤN BẰNG TIẾNG ANH: BIẾN THÁCH THỨC THÀNH CƠ HỘI (KỲ 2)

Ở kỳ 1, chúng ta đã học về cách tôn lên kinh nghiệm bản thân, cũng như cách đặt câu hỏi hợp lí. Trong kỳ này, chúng tôi sẽ điểm qua vài mẹo chọn dùng từ khóa và cách trả lời câu hỏi. Mời các bạn tiếp tục theo dõi nhé.

Nên làm:

Chọn nhóm từ khóa phù hợp: Bạn nên tham khảo qua các tài liệu truyền thông, trang web của công ty để biết rõ lĩnh vực cũng như những kỳ vọng nhất định về nhân viên.
Hãy đọc kỹ tin tuyển dụng của công ty bạn ứng tuyển và chọn ra một vài từ khóa mà bạn cho là quan trọng nhất, phản ảnh được các giá trị của nhân viên tiềm năng họ đang tìm kiếm. Sau đó, hãy cố gắng luyện tập trả lời một số câu hỏi thường gặp khi ứng tuyển trước ở nhà, và nhớ là phải dùng đan xen các từ khóa bạn vừa chọn ra trong câu trả lời của mình.

Đừng nói không biết: Khi gặp một câu hỏi từ nhà tuyển dụng mà bạn không biết, hãy dùng khả năng suy luận của mình để đưa ra một câu trả lời tốt nhất. Nếu không thể hay bạn cảm thấy quá hồi hộp, hãy đưa ra giải pháp. Đừng trả lời là không biết, nhà tuyển dụng sẽ không muốn nghe điều đó, mà bạn hãy nói những câu như:

– I don’t understand that. Can you repeat it one more time? (Tôi không hiểu câu hỏi. Bạn có thể lập lại thêm lần nữa không?)
– I don’t understand the word “…”. Can you explain it? (Tôi không hiểu “…” nghĩa là gì. Bạn có thể giải thích cho tôi được không?)
– I haven’t heard of “…”, but I’ll be sure to learn/look for/look it up. (Tôi chưa thật sự hiểu về “…”, nhưng chắc chắn tôi sẽ học/tra cứu/tìm hiểu “…”.

Bạn nhận ra sự khác biệt không? Thay vì nói “không biết”, hãy đưa ra giải pháp để bạn biết. Đó mới là điều nhà tuyển dụng tìm kiếm.

 

Không nên:

Đừng bắt đầu cuộc phỏng vấn với lương: Hãy bắt đầu với việc cho nhà tuyển dụng hiểu hơn về bạn. Sau đó hãy hỏi nhà tuyển dụng những câu hỏi bạn chưa có câu trả lời trong quá trình tìm hiểu nộp hồ sơ ứng tuyển. Sau khi đã nắm được một bức tranh tổng thể về công ty, sản phẩm, về yêu cầu vị trí ứng tuyển, thế mạnh và điểm hạn chế của team, và về kỳ vọng của công ty với bạn,… thì lúc này mới bắt đầu đàm phán về lương.
Nếu bạn hỏi và đàm phán lương quá sớm, bạn sẽ gây cho nhà tuyển dụng cảm giác bạn chỉ đến với công việc vì tiền mà thôi. Hơn nữa, lùi thời điểm đàm phán lương lại, bạn sẽ có đủ cơ sở để đề nghị một mức lương xứng đáng với những kỳ vọng mà công ty đặt nơi bạn.

Quá tự tin và bình phẩm cá nhân: Ngắn gọn mà nói thì đừng hứa mang lại nhiều hơn những gì bạn có thể, nếu không nhà tuyển dụng sẽ nhận ra ngay và nhớ tránh xa những lời bình phẩm cá nhân. Cho dù là trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, cứng nhắc hay gần gũi, thân thiện thì những lời bình phẩm hay khen ngợi mang tính cá nhân cũng không chứng tỏ được khả năng chuyên môn họ đang tìm kiếm nơi người ứng tuyển.

Hãy ghi nhớ những bí quyết trên để có một buổi phỏng vấn thành công nhé. Cho dù bạn chưa phải là người mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm đi nữa, thì bạn cũng sẽ học hỏi được rất nhiều điều bổ ích từ nó để áp dụng cho những buổi phỏng vấn sau. Chúc các bạn nhiều may mắn và thành công trong những buổi phỏng vấn bằng Tiếng Anh tới với những lời mách nhỏ của KTDC BUSINESS SKILLS nhé.